Ý kiến xung quanh việc kiến nghị chấm dứt miễn thị thực visa cho một số nước

Tạo vào: 13/04/2013

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá: Chi phí cho việc giải quyết thị thực (visa), đặc biệt là thời gian chờ đợi, đi lại để nhận thị thực và thông tin không rõ ràng là rào cản tâm lý rất lớn đối với khách du lịch.

Thậm chí, điều này được cho là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho khách thay đổi quyết định du lịch sang một điểm du lịch khác có điều kiện đi lại thuận tiện hơn, thông tin rõ ràng hơn. Chính vì thế nhiều nước đã áp dụng các chính sách visa ngày càng thông thoáng nhằm cạnh tranh thu hút khách quốc tế. 

Hiện nay, để cạnh tranh thu hút khách quốc tế, Singapore đã miễn thị thực cho công dân của trên 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện chỉ còn khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ cần xin thị thực khi du lịch tới Singapore. Malaysia cũng miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 155 quốc gia và vùng lãnh thổ. Indonesia áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân đến từ 24 quốc gia.

Thái Lan còn quyết liệt hơn trong việc cạnh tranh thu hút khách quốc tế đến khi miễn thị thực cho công dân của 55 nước. Trong đó, miễn thị thực đơn phương cho 32 nước là thị trường nguồn khách du lịch quan trọng của các nước trong khu vực bao gồm: Úc, New Zealand (châu Đại Dương), Hoa Kỳ, Canada (Bắc Mỹ), Nhật Bản (Đông Bắc Á), Đức, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Áo, Phần Lan, Đan Mạch, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha (châu Âu). Hơn thế, Thái Lan còn thực hiện cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân 28 nước trong số còn lại tại 24 cửa khẩu đường không, đường bộ và đường thủy.

Ngoài việc áp dụng các chính sách riêng của mỗi nước trong vấn đề visa để tăng thu hút khách quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh, các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 (Indonesia 2011) đã tái khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy việc đơn giản hóa các thủ tục thị thực cho công dân các nước ngoài ASEAN, góp phần xây dựng cho cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015 và tăng cường đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó ở Việt Nam theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn thì: "Trong 5-7 năm qua, chúng ta thử nghiệm miễn visa đơn phương cho bảy nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga và Phần Lan, chấp nhận mỗi năm thất thu 50 triệu USD… Nhưng trong bảy năm vừa rồi, ngành ngoại giao và công an ngồi tính lại thì thấy số lượng khách từ các nước đó vào tăng nhưng không đáng kể, số tiền thu được rất nhỏ so với thất thu vì miễn visa" (báo Tuổi trẻ ra ngày 20.3.2013).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lại cho rằng nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn là “không hoàn toàn chính xác”. Theo ông Thọ thì vì đối tượng được miễn chỉ được cư trú tại Việt Nam không quá 15 ngày (nghĩa là không phải tất cả khách đến từ 7 thị trường nói trên đều được miễn visa vào Việt Nam).

Hơn nữa, với mức chi tiêu bình quân của mỗi lượt khách quốc tế/ ngày là 105,4 USD (số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2011), thời gian lưu trú trung bình của khách là 7, 8 ngày (thống kê của Tổng cục Du lịch) thì tổng chi tiêu của hơn 5.573.000 lượt người được miễn visa đơn phương ở 7 thị trường (trong khoảng thời gian từ 7.2004- 6.2012) là gần 4,6 tỉ USD.

Thực tế, con số này sẽ lớn hơn vì khách từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga đều có mức chi tiêu cao hơn so với mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế tới Việt Nam. Hơn thế, chi tiêu của khách du lịch quốc tế đã kích thích sản xuất của nhiều ngành do nhu cầu về các sản phẩm bổ trợ cho du lịch, hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo…

 

Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM cho rằng: “Việc tăng lệ phí thị thực từ 25 USD lên 45 USD và cả dự định chấm dứt việc miễn visa cho 7 thị trường khách nói trên là tham bát bỏ mâm, lấy thêm 20 USD nhưng lại sẽ bỏ đi một nguồn khách lớn và nếu bỏ miễn visa thì còn tai hại nữa”.

Nhiều doanh nghiệp tại cuộc đối thoại giữa Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch với các doanh nghiệp du lịch hồi cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2012 ở 3 miền Bắc - Trung - Nam đã thể hiện sự lo lắng khi phí visa thì tăng, lại còn cả thông tin sắp tới Việt Nam sẽ bỏ miễn visa. “Tôi cho rằng, dù cho một bộ phận nào đó có lợi khi tăng lệ phí thị thực hay bỏ chính sách miễn thị thực nhưng hãy vì lợi ích chung, vì nguồn ngoại tệ lớn mà du khách mang lại cho nền kinh tế mà Chính phủ nhìn lại chính sách này”- ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch APEX (một công ty đón khách Nhật Bản hàng đầu Việt Nam) nói. “Công ty chúng tôi đã từng đề nghị giãn thị thực cho khách Nhật Bản từ 15 ngày lên 30 ngày để đón lượng khách là người lớn tuổi đến nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Lượng khách này rất lớn, có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam, đối tác của chúng tôi ở Nhật Bản cũng đã sang Việt Nam khảo sát dịch vụ. Tuy nhiên cho đến nay chúng tôi cũng chưa thực hiện được do đề xuất này vẫn chưa được trả lời”- ông Trấn cho biết thêm.

Cũng có cùng lo ngại với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng: “Hiện nay việc miễn visa cho khách ở 7 thị trường nói trên đang được thực hiện rất hiệu quả, nếu chấm dứt miễn chắc chắn sẽ là cú sốc lớn với khách du lịch các nước và các đối tác của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo dự báo của Hiệp hội, nếu chấm dứt miễn visa, dòng khách du lịch này sẽ giảm đột ngột. Các công ty du lịch của bạn phải mất ít nhất 1 năm mới thay đổi được phương thức kinh doanh và khách sẽ giảm 50- 60%.

Có nghĩa là mỗi năm trước mắt chúng ta sẽ mất khoảng 500.000- 600.000 lượt khách chi trả cao, doanh thu du lịch giảm khoảng 1- 1,2 tỉ USD. Thêm vào đó, công dân các nước này sẽ có phản ứng tiêu cực với hình ảnh của Việt Nam, một đất nước vốn được biết đến là cởi mở và hội nhập.

Vì vậy, xu thế đang coi việc Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của 7 thị trường này được xây dựng trong 10 năm qua sẽ mất đi trong lòng du khách. Chính phủ các nước sẽ xem lại các chính sách ủng hộ cho Du lịch Việt Nam khiến chúng ta vô cùng khó khăn tiếp cận lại các thị trường này. Hàng ngàn doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trong hoạt động du lịch.

Thiệt hại về kinh tế, chính trị, ngoại giao nếu chấm dứt miễn visa cho công dân 7 nước nói trên sẽ là vô cùng to lớn. Chính vì thế Hiệp hội Du lịch VN sẽ đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai quyết định miễn visa đơn phương cho các thị trường khách trọng điểm này”.

 

Hiệp hội sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục việc miễn visa... 
  Theo dự báo, nếu chấm dứt miễn visa, dòng khách du lịch này sẽ giảm đột ngột. Các công ty du lịch của bạn phải mất ít nhất 1 năm mới thay đổi được phương thức kinh doanh và khách sẽ giảm 50- 60%. Có nghĩa là mỗi năm trước mắt chúng ta sẽ mất khoảng 500.000- 600.000 lượt khách chi trả cao, doanh thu du lịch giảm khoảng 1- 1,2 tỉ USD. Thêm vào đó, công dân các nước này sẽ có phản ứng tiêu cực với hình ảnh của Việt Nam, một đất nước vốn được biết đến là cởi mở và hội nhập. Vì vậy, xu thế đang coi việc Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của 7 thị trường này được xây dựng trong 10 năm qua sẽ mất đi trong lòng du khách. Chính phủ các nước sẽ xem lại các chính sách ủng hộ cho Du lịch Việt Nam. Thiệt hại về kinh tế, chính trị, ngoại giao sẽ là vô cùng to lớn. Hiệp hội Du lịch sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai quyết định miễn visa đơn phương cho các thị trường khách trọng điểm này. (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN Nguyễn Hữu Thọ)

Nguồn: Báo Văn hóa

 

 

 Xem tiếp:

 

1. Dịch vụ cấp thẻ tạm trú, cư trú cho người nước ngoài

 

2. Dịch vụ xin visa, gia hạn visa thị thực cho người nước ngoài

 

3. Dịch vụ và thủ tục xin cấp giấy phép lao động, giấy phép làm việc cho người nước ngoài

 

Tư vấn dịch vụ
0913.292.799 0987.158.166

0913-292-799
0987-158-166